Muốn hết tắc đường cần làm gì?
Và lợi ích cuối cùng: Lái xe trên đường vắng mới có thể ngắm phố ngắm người; mới có thể để ý đến những hàng cây, những bồn hoa… dọc đường di chuyển,
Những năm đầu thế kỷ 21, thời gian dành cho việc đi đến chỗ làm của tôi mất chừng một tiếng, rồi cứ nâng dần lên tiếng rưỡi, hai tiếng. Rồi khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông thi công, thời gian đi làm của tôi đã nâng lên hai tiếng rưỡi, thậm chí có hôm gặp vụ va chạm, hiện trường giữ nguyên giữa đường thì… ba tiếng chưa tới nổi cơ quan. Ba tiếng cho đoạn đường chưa đầy 30 cây số quả là một kỷ lục.
Tranh nhau “điền vào chỗ trống”
Nhiều lần chôn chân trong dòng người xe đặc nghẹt, tôi đã ước gì chiếc xe của mình có thể… mọc cánh. Và bay. Nhưng ý nghĩ thần thoại của tôi (và tôi tin còn của nghiều người khác) chưa thể có. Thế nên một lần quá mệt mỏi khi phải chống chân vê ga nhích xe từng tí một, tôi ngoặt xe vào một con hẻm, ghé vào quán cóc gọi một li trà và vùng vằng nghĩ, đấy, tôi nhường cho các ông các bà đi hết đi.
Và chính trong lúc ngồi trên vỉa hè ngắm những mặt người khẩu trang kín mít, đang cáu kỉnh nhấn còi thúc nhau tiến lên phía trước, tôi bỗng “ngộ” ra: Phần lớn những người tham gia giao thông ở giờ cao điểm buổi sáng đều là dân công sở. Ai cũng cuống thốn lên khi thời gian làm việc theo quy định sắp tới mà mình vẫn trên đường. Vậy là tranh nhau “điền vào chỗ trống”, vượt đèn đỏ, rẽ lên vỉa hè, cắt ngang thảm cỏ…
Phố Chùa Bộc (Hà Nội) trong giờ cao điểm
Ai cũng hiểu đó là hình ảnh phản cảm, vi phạm luật giao thông, nhưng thế còn hơn phải muộn giờ làm và chịu lời khiển trách của sếp. Đó là ý nghĩ chung của những công chức mẫn cán. Nhưng ý nghĩ chỉ là ý nghĩ. Dù anh có khôn ranh đến mấy thì cũng chỉ luồn lách được một vài lần, và thực tế thì chuyện cán bộ công nhân viên muộn giờ làm với lý do tắc đường vẫn diễn ra hàng ngày ở mỗi cơ quan.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là dân công sở, kể cả tôi, căn giờ sát quá. Dù đủng đỉnh xuất phát gần hay xa, họ đều tính toán sẽ đến cơ quan vào đúng 8h nên mới xảy ra tình trạng “dồn toa” ở những tuyến đường nội đô. Sau nhiều lần tự đày đọa mình trong những cái nút tắc ấy, tôi bỗng nảy ra câu hỏi: Tại sao mình không tránh cái giờ cao điểm từ 7h đến 8h ra nhỉ?
Vậy là những ngày sau tôi quyết định đi làm sớm. 5h30 xuất phát, đường phố thưa thoáng nên chỉ đúng một tiếng sau tôi đã có mặt ở cơ quan khiến ông bảo vệ tròn xoe mắt ngạc nhiên hỏi anh đi công tác hay sao mà ra sớm thế. Tôi chỉ mỉm cười không đáp, mở cửa phòng, quét dọn, đun nước pha trà, nghe một bản nhạc vui nhộn rồi bắt tay vào làm việc. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, số lượng công việc cần giải quyết trong một buổi đã xong vèo.
Sao không dậy sớm?
Tất nhiên, để có thể đi làm sớm một tiếng thì tôi phải dậy sớm hơn một tiếng. Đây là việc khó, rất khó khi thay đổi một thói quen. Nhưng giữa việc ngủ nướng thêm một tiếng để rồi tiếp tục chịu cảnh chen chúc trong đám đông, mũi phải hít khói bụi xăng xe, tai phải nghe những câu nói tục chửi thề, mắt phải nhìn những khuôn mặt cau có cáu kỉnh…; và dậy sớm một tiếng để đi lại thong dong, hít thở không khí thoáng đãng trên phố thưa người, đằng nào hơn? Vậy là quyết tâm tập, chỉ thời gian ngắn là quen.
Đến cơ quan sớm thì công việc chủ động, tâm thế hiên ngang, chẳng phải cười ngượng khi gặp sếp để thanh minh về chuyện tắc đường. Đi làm sớm không phải tiếp xúc với những âm thanh ồn ào, không khí ô nhiễm nên đầu óc nhẹ nhõm, tinh thần phấn chấn, làm việc hiệu quả.
“Dậy sớm một tiếng để đi lại thong dong, hít thở không khí thoáng đãng trên phố thưa người”
Xuất phát sớm là tiết kiệm thời gian. Nếu như trước đây mỗi ngày tôi phải mất từ 3 đến 4 tiếng cho việc di chuyển trên đường thì nay con số ấy đã giảm gần một nửa. Thêm một sự tiết kiệm “ngoài mong đợi” nữa là nhiên liệu. Trước đây đi làm “đúng giờ”, xe đi số thấp máy gằn, khi tắc đường dù phải đứng một chỗ thì xe vẫn phải nổ máy trong tư thế sẵn sàng… nhích, hậu quả là mỗi bình xăng chỉ đủ cho một lượt đi về, còn bây giờ đi hai lượt mới hết.
Và lợi ích cuối cùng: Lái xe trên đường vắng mới có thể ngắm phố ngắm người; mới có thể để ý đến những hàng cây, những bồn hoa… dọc đường di chuyển, bỗng thấy con người và phố xá thân thiện đáng yêu hơn.
Viết đến đây tôi trộm nghĩ, chỉ cần 1/4 công chức Hà Nội đi làm sớm, ba mươi phút, một tiếng hoặc hơn tùy theo hoàn cảnh, thì tình trạng tắc đường giờ cao điểm chắc chắn giảm.
Leave a Reply